Sunday, March 21, 2010

Mōri Motonari part 3

Trận đánh ở đảo Ikutsu

Năm Tenmon thứ 20 (1551), xảy ra biến cố ở chùa Dainei (Daineiji no hen), Daimyō của hai xứ Suō và Nagato là Ōuchi Yoshitaka bị gia thần Sue Harukata ám sát trong vụ mưu phản. Lúc này Mōri Motonari bắt tay với Harukata để chiếm thành Satō Kanayama và thành Sakurao. Sue Harukata cũng nghĩ rằng nếu không có sự hợp tác của Motonari thì khó lòng kiểm soát được lãnh địa của họ Ōuchi nên đã giao cho Motonari quyền điều hành các lãnh chúa, quan đầu xứ ở Aki và Bingo. Nhờ vậy, Motonari bắt đầu tấn công các lãnh chúa trong xứ Aki từng nâng đỡ Ōuchi để bành trướng thế lực của mình. Motonari còn tấn công thành Kashirazaki, ép thành chủ Hiraga Takayasu tự vẫn, đưa Hiraga Hirosuke lên kế tục nghiệp nhà Hiraga nhưng thực tế là đẩy họ này vào vòng cai quản của họ Mōri. Năm 1553, Tomonari cùng với một gia thần của họ Ōuchi là Era Fusahide đánh lui quân Amago Haruhisa khi họ này tấn công xứ Aki.

Sau trận đánh này, tình hình nhà Sue trở nên rối ren và dần cảm thấy sự bành trướng thế lực của Mōri Motonari nên Sue Harukata lo ngại, muốn giành lại quyền kiểm soát từ tay Motonari nên đối lập giữa hai bên ngày càng rõ ràng. Rồi sau đó xảy ra việc tướng Yoshimi Masayori xứ Iwami phất cờ chống lại Harukata. Được sự ủy thác của Sue Harukata, ban đầu Motonari cũng định xuất binh theo quân Sue chinh phạt Yoshimi, nhưng sau các gia thần đều lên tiếng phản đối nên cuối cùng Mōri không xuất binh nữa. Thế rồi Sue Harukata trực tiếp gửi sứ giả đến đốc thúc các lãnh chúa trong toàn xứ Aki xuất binh. Lúc đó Harukata được Hiraga Hirosuke tố cáo sự thật về con trưởng của Motonari là Takamoto. Các trọng thần của Sue cũng phản đối giao ước của Harukata đối với Mōri Motonari (hứa giao cho Mōri quyền quản lý chư hầu hai xứ Aki và Bingo), đẩy giao kèo giữa hai họ Mōri và Sue đến chỗ kết thúc. Và như thế, Motonari chính thức quyết định chống lại Harukata.
Tuy nhiên, so với lực lượng hơn 30.000 quân Ōuchi do Harkata động viên thì quân Mōri chỉ có chừng 4.000~5.000 quân mà thôi. Nếu trực tiếp giao tranh thì quân Mōri không có cơ thắng, đó là chưa tính đến nguy cơ các chư hầu xứ Aki vốn thân cận với họ Mōri nay bị áp lực của họ Ōuchi, Sue mà dao động, phản bội lại Mōri là rất cao. Vì vậy Motonari lại giở mưu lược đắc ý của mình để chia rẽ nội bộ Ōuchi khiến họ này trở nên suy nhược.

Năm Tenmon thứ 23 (1554), trong họ Amago xảy ra nội loạn khi Amago Haruhisa thanh trừng Amago Kunihisa và Sanehisa thuộc nhóm Shigūtō tại Izumo. Shingūtō là đội quân tinh nhụê nhất của họ Amago, do Tsunehisa và con trai là Kunihisa thống lĩnh, từng tham gia nhiều trận đánh, lập nhiều chiến công cho họ này. (Cũng có quân ký chép rằng vụ thanh trừ này là do mưu ly gián của Mōri Motonari, nhưng đây chỉ là sáng tác của hậu thế mà thôi. Vụ thanh trừng này nhằm tăng cường sức mạnh quân sự cho dòng chính của họ Amago)
Ngay giữa lúc họ Amago thanh trừng Shingūtō thì Mōri Motonari lại cho lưu truyền tin đồn rằng Era Fusahide đang tạo phản. Fusahide là gia thần của Sue Harukata, nổi tiếng tri lược hơn người và từng sát cánh chiến đấu bên Motonari không ít lần. Motonari còn cho giả cả bút tích của nạn nhân trong bức mật thư (giả) nội thông với mình để mượn tay Sue Harukata giết chết Fusahide. Có một thuyết khác cho rằng ban đầu Era Fusahide định làm nội ứng cho họ Mōri, nhưng Motonari lại cố tình công bố chuyện này cho Harukata.
Cùng năm, sau khi loại trừ hậu hoạ, Motonari phất cờ phản lại Sue Harukata lúc này đang khốn đốn vì họ Yoshimi làm phản. Harukata đùng đùng nổi giận, giao cho bộ tướng Miyagawa Fusanaga 3000 quân, hạ lệnh tấn công Mōri. Quân Miyagawa xuất trận, ra khỏi Yamaguchi, đến khu đồi núi Oshikibata thuộc xứ Aki đóng trại thì bị quân Mōri tập kích phủ đầu. Quân Miyagawa rơi vào thế hỗn loạn rồi vỡ, bản thân Miyagawa Fusanaga tử trận. Như vậy trận đầu tiên, thắng lợi thuộc về quân Mōri (trận Oshikibata).

Hay tin bại trận, Sue Harukata lại đùng đùng kích nộ, năm Kōji thứ nhất (1555), tự thân dẫn 20.000 quân rời khỏi Yamaguchi. Dọc đường, bất chấp lời can gián của trọng thần Hironaka Takakane, Harukata đã cho đổ bộ lên đảo Itsuku, công thành Miyao vốn là trọng điểm kinh tế và giao thông của quân Mōri trên đảo này. Tuy nhiên đây lại là sách lược của Motonari. Vì quân Sue đông nên không thể di chuyển linh hoạt, bị quân Mōri tập kích rồi tan vỡ. Trong trận này Sue Harukata tự vẫn, thế lực của họ Ōuchi suy giảm mạnh, trở nên bạc nhược. Đây chính là trận đánh trên đảo Itsuku (Itsukushima no tatakai), một trong ba trận tập kích lớn nhất lịch sử phong kiến Nhật Bản (Nihon sandai kishū).

Năm Kōji thứ 2 (1556), Amago Haruhisa đang viễn chinh ở Bingo bỗng rút 25.000 binh về, bắt tay với Ogasawara Nagataka tấn công thành Yamabuki của họ Ōuchi. Lúc này họ Mōri ra nghênh chiến nhưng bị liên quân hai họ đánh bại ở Oshibara, mỏ bạc Iwami cũng mất về tay họ Amago. (Oshibara kuzure)

Năm Kōji thứ 3 (1557), thấy thời cơ đã chín khi xảy ra tranh chấp trong họ Ōuchi, Motonari giết chết đương chủ họ này là Yoshinaga, một con rối do Sue Harukata lập nên để giật dây. Họ Ōuchi bị tiêu diệt, ngoại trừ ở Kyūshū ra thì phần lớn lãnh địa cũ của họ này đều lọt vào tay họ Mōri. (Bōchō keiryaku)
Cùng năm, Mōri Motonari giao lại quyền hành cho con trưởng là Takamoto, nhưng thực chất bản thân mình vẫn nắm thực quyền.

Năm Eiroku thứ nhất (1558), Motonari cùng con trai là Kikkawa Motoharu công thành Nukuyu, cứ điểm của Ogasawara Nagataka nhằm đoạt lại mỏ bạc Iwami đã bị cướp trước đó trong trận Oshibara. Amago Haruhisa cũng xuất binh nhưng hai bên chỉ ghìm nhau bên hai bờ sông. Năm sau, Eiroku thứ hai (1559), Motonari hạ được thành Nukuyu, thừa thế công thành Yamabuki nhưng thất bại, trên đường rút lui thì bị thành chủ Honjō Tsunemitsu và đội quân của thành chính hợp lưu với quân Haruhisa kích phá, quân Mōri đại bại.

No comments:

Post a Comment