Wednesday, March 24, 2010

Mōri Motonari part 5

Thể chế chính trị

Khái yếu và đặc sắc

Thể chế chính trị mà Mōri Motonari xây dựng nên là một thể chế tập đoàn chỉ huy điển hình với chủ trương chính là các kokujin trong lãnh thổ và các thế lực khác cùng dựa vào nhau mà tồn tại. Thể chế này có nhiều điểm tương đồng với các Sengoku Daimyō đương thời khác. Nền chính trị của Mōri Motonari lập nên không chỉ bao gồm các cải cách về mặt thể chế và tổ chức mà còn có các phương châm, khẩu ngữ như “Sanshi Kyōkunjō” (tam tử giáo huấn trạng, bản giáo huấn ba người con) và “Hyakuman Isshin” (bách vạn nhất tâm, trăm ngàn người đồng lòng) làm thay đổi nhận thức, tâm lý của các gia thần và con dân của họ Mōri. Về điểm này thì tương đồng với nền chính trị của Takeda Shingen.
Một điểm đặc sắc có thể kể của nền chính trị của họ Mōri là tính độc lập cao của các lãnh chúa địa phương và là thể chế ngăn ngừa sự độc tài của Daimyō (họ Mōri). Về điểm này thì chính quyền Mōri cũng tương đồng với chính quyền của họ Takeda, vừa phức tạp vừa rối ren, khó nắm bắt nhưng ngược lại, bằng việc thiết lập chế độ Bugyō, họ Mōri đã thành công trong việc hiệu quả hóa hành chính, ngăn chặn quyền lực tập trung vào đương chủ và ổn định hóa thể chế của mình. Sự thật là ngay cả sau khi Motonari chết, họ Mōri đã thành công trong việc mở rộng lãnh thổ một cách ổn định.
Tuy thế, chính quyền này cũng không tránh khỏi sự mất ổn định mỗi khi thay đổi đương chủ. Đến đời cháu đích tôn của Motonari là Terumoto thì họ Mōri lâm vào đường cùng sau khi giao chiến với thế lực hùng mạnh của họ Oda và các Kokujin trong xứ nổi loạn. Sau khi Motoharu và Takakage chết thì trong trận Sekigahara, tính yếu mềm thiếu quyết đoán của Terumoto đã khiến trong họ Mōri chia làm hai phe, một bên theo quân miền Đông và một bên theo phe miền Tây, cả họ không hành động thống nhất được và kết quả là Terumoto trở thành tướng của phe bại trận. Đây là kết quả cho thấy rõ khuyết điểm của thể chế tập đoàn chỉ huy khi quyền lực bị phân tán, hành động ứng phó với tình thế chậm chạp và không có chủ trương nhất quán.
Mặc dù vậy, Mōri Motonari đã cống hiến nhiều điều trong cuộc đời của một Daimyō, để lại một ý chí gìn giữ gia tộc mạnh mẽ cũng như các ý niệm về nền chính trị của mình cho thế hệ sau. Thông qua thể chế Mōri Ryōsen và và các Bugyō tài năng trong thể chế tập đoàn chỉ huy mà Motonari gây dựng nên cùng với việc để lại di huấn cho con cháu là “không được tranh giành quyền lực trong thiên hạ” đã nói lên khả năng nhìn xa trông rộng của Motonari (tiên đoán sự bất lực của những người nối dõi mình). Tất cả đều nói lên rằng Mōri Motonari là một võ tướng thời Sengoku với tài năng chính trị, óc phán đoán, khả năng nhận xét, trí lược phi phàm.

Vai trò của thể chế Mōri Ryōsen

Năm 1557, trong vụ Bōchō Keiryaku (chiến dịch tấn công hai xứ Suō và Nagato của Mōri), Motonari nhường gia nghiệp lại cho trưởng nam là Mōri Takamoto rồi lui về ẩn cư. Nhưng Takamoto đã từ chối quyền lực nên thực quyền vẫn do Motonari nắm giữ và cũng cố vững chắc thể chế Mōri Ryōsen (hai con sông nhà Mōri) thông qua Kikkawa Motoharu và Kobayakawa Takakage. Ngày 25 tháng 11 cùng năm, Motonari soạn thảo di huấn gồm 14 điều (còn được biết đến với cái tên “Sanshi kyōkunjō, tam tử giáo huấn trạng) kêu gọi tinh thần đoàn kết trong gia tộc. Di huấn này là nền tảng hình thành nên giai thoại ba mũi tên sẽ thuật ở phần sau.
Ngày 2 tháng 12 cùng năm, Motonari cùng các lãnh chúa bên dưới trong xứ Aki ký kết giao ước theo hình vòng tròn (karakasa rempanjō). Việc ký tên theo vòng tròn khiến không phân biệt được quan hệ trên dưới giữa những người ký với nhau như cách ký tên thông thường (từ trên xuống, theo đó vị trí cao nhất sẽ ký đầu tiên). Điều này cho thấy rằng Motonari giữ vị thế đồng đẳng so với các lãnh chúa địa phương khác. Nhưng lật ngược lại vấn đề, đương thời, sau khi thanh trừ họ Inoue thì họ Mōri đang ở giai đoạn chỉ vừa mới thâu tóm hết được tập đoàn các gia thần của mình mà thôi và chỉ dừng lại ở mức minh chủ của liên minh các thổ hào ở xứ Aki. Giữa Motonari và hai người con ruột mang họ Kikkawa và Kobayakawa cũng không tồn tại quan hệ phụ thuộc giữa chúa và bề tôi. Họ Mōri chỉ thoát khỏi vị thế minh chủ của liên minh thổ hào xứ này khi Mōri Takamoto nhậm chức thủ hộ xứ Aki vào năm Eiroku thứ 3 (1560), kéo các thổ hào trong xứ vào hàng ngũ gia thần của mình.

Thời gian sau này, tuy giữ họ Mōri và các lãnh chúa địa phương đã hình thành nên quan hệ chủ tớ nhưng cũng có một bộ phận lãnh chúa được chọn lọc, có được vị thế độc lập với nhà Mōri. Điều này hình thành nên tính nhị nguyên trong quan hệ chủ tớ giữa họ Mōri với các gia thần (gia thần trực tiếp và các lãnh chúa, thổ hào phụ thuộc gián tiếp). Quan hệ chủ tớ này kéo dài cho đến khi họ Mōri bị điều sang phiên Chōshū sau trận Sekigahara mà không gặp phải sai sót gì cũng là nhờ một phần lớn ở tài năng lãnh đạo của Motonari và hai con là Motoharu và Takakage.

No comments:

Post a Comment