Sunday, August 21, 2011

Chim phóng sanh

Nguồn:
http://vn.news.yahoo.com/r%E1%BA%B1m-th%C3%A1ng-7-v%C3%A0-t%E1%BB%99i-%C3%A1c-chim-ph%C3%B3ng-sinh.html?bcmt=1738345

Tôi không phải là người mộ đạo, tôi chỉ sống theo đạo tâm và hướng thiện. Nhưng mỗi năm, tết và rằm tháng 7 tôi đều đi chùa, và mỗi năm, tôi đều đứng trước những lồng chim và cầu nguyện và cảm nhận nỗi đau... nỗi đau của chim sa lưới, chim trong lồng.

Không biết có phải kiếp trước tôi là chim, hay vì tôi quá mẫn cảm mà tôi luôn có thể cảm nhận và nghe nỗi đau của từng con chim trong lồng ấy.

Hôm nay cũng thế, tôi lại đứng trước lũ chim, chúng khóc, chúng van xin tôi, đừng thả chúng ra. Chúng đau, chúng đè lên nhau, đứa gãy cánh, đứa què giò, có một con ứa nước mắt, nói với tôi rằng: "Xin bạn đừng nhìn tôi, xin bạn đừng mua tôi, đừng thả tôi, cứ để tôi chết trong lồng này, hôm nay tôi đã được thả ra và bắt vào 4 lần rồi, tôi đau, mệt, tôi không thể bay, xin đừng cho tôi hy vọng".

Một con chim khác lại nói: "Nếu không ai mua, họ sẽ không làm vậy, họ đã cho chúng tôi uống nước thuốc, chúng tôi không thể bay xa, cho dù bạn thả ra, chúng tôi cũng sẽ bị bắt về và lại bán, và lại bị bắt. Nếu bạn không mua, họ sẽ chẳng bao giờ cần bắt chúng tôi, sẽ không bao giờ cần cho tôi uống thứ nước thuốc khủng khiếp đó, làm ơn, làm ơn để chúng tôi hy sinh và những con chim khác sẽ không bao giờ chịu chung số phận. Làm ơn!"...

Rồi một người phụ nữ đến mua, người đàn bà bán chim nhẫn tâm quơ tay vào cái lồng đặc nghẹt, hốt từng nắm, lũ chim bị bóp chặt, mỏ con này chọc vào mắt con kia, trong cơn quơ quào móng con này cấu vào đầu con kia, chúng la hét, giẫy dụa, rỉ máu, chúng đau đớn, chúng la “Đừng đừng … hãy để chúng tôi yên, hãy để chúng tôi yên”.

Tôi đứng im, bất lực, tôi là kẻ hèn nhát, tôi khinh khi bản thân mình, tôi đã không dám đứng ra ngăn cản người phụ nữ đó, như ngăn cản số người còn lại trên cái thế giới này xin đừng thả chim phóng sinh.

Ngày xưa, đức Tam Tạng thấy bọn trẻ câu cá đã mua cá và thả cá về sông để làm phúc. Người ta bẫy chim để ăn vì mưu cầu cuộc sống, rồi người làm phúc vô tình nhìn thấy đã mua chim ấy để thả. Đó gọi là làm phúc.

Ngày nay, những người bẫy chim không còn phải để ăn mà để bạn mua và thả. Vậy khi bạn mua có nghĩa là bạn tạo ra cầu thì sẽ có cung, do đó, việc bạn đang làm là ác, vì bạn đang xúi giục họ bắt, hành hạ những con chim ấy và bạn sẽ cho họ tiền, vậy việc làm đó có thiện, có phúc hay không?

Có thể bạn nói rằng, ngày nay họ cũng vì kế sinh nhai nên làm vậy, cũng đâu khác gì ngày xưa. Thật ra nó khác, rất khác, vì ngày xưa những con chim bị bắt để ăn sẽ to khỏe và mập mạp, và khi bạn thả, là nó sẽ được tung cánh bay xa, được về với gia đình của nó. Còn ngày nay, nếu bạn để ý kỹ, những con chim phóng sinh là những con se sẻ nhỏ, hoặc loài chim én, hoặc chim yến, những con chim bé nhỏ, vô tội chỉ bị bắt vì một lý do duy nhất, bắt để bán cho những người phóng sinh.

Người ta còn cho thuốc vào để chim yếu, chỉ bay được một ít trong khuôn viên chùa, và 5 phút nữa thôi, sẽ lại bị bắt về, để bán cho một người khác.

Tôi đứng đó, ứa nước mắt, và tự sỉ vả mình hèn hạ vì đã không dám lên tiếng. Lũ chim được người đàn bà giơ cao đưa ra trước đức phật, cầu nguyện và mở nắp, lũ chim đứng yên, không hề muốn bay ra. Người đàn bà phóng sinh thò bàn tay mập mạp, bắt từng con thả ra, chúng bay uể oải và đậu trên một nhánh cây gần đó.

Tôi biết lũ chim kia quá bé để ăn thịt, thật sự nếu không ai mua, thì vài ngày sau họ cũng sẽ phải thả nó về trời, đằng này, cứ hết người này, đến người khác tới mua, nên họ cứ bắt đi bắt lại, hành hạ chúng đến khi chúng mệt lử và chết, thì khi đó họ sẽ mua vài con thế vào. Một lồng chim trăm con có thể bán đi bán lại hàng chục lần.

Truyền thống chim phóng sinh giờ đây là một việc làm độc ác cần xóa bỏ. Nếu những người kia cần tiền, họ có thể bán nhang, bán vé số, có thể bán kinh, bán hoa. Xin đừng hành hạ những sinh vật bé nhỏ và vô tội. Những người phóng sinh xin đừng đưa tiền, đừng tiếp tay cho hành động độc ác nọ, xin thương lấy lũ chim, đó cũng là một sinh mạng.

Làm ơn, xin đừng phóng sinh!

Chim Én

No comments:

Post a Comment