"Vô đao" (無刀, âm Nhật đọc là Mutō) nghĩa là không đao kiếm, không mang đao kiếm, không dùng đao kiếm. Đây là một khái
niệm quan trọng trong nền kiếm đạo Nhật Bản và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến nhiều phái kiếm như Yagyū Shinkage-ryū, Mutō-ryū, Munen-ryū,... và có liên hệ mật thiết với khái niệm "hoạt nhân kiếm" (Katsujin-ken).
Thanh kiếm vốn dĩ được xem là hung khí số một trong xã hội phong kiến Nhật Bản, nhưng từ khi Tướng quân Tokugawa Ieyasu thống nhất thiên hạ, mang lại nền thái bình kéo dài hơn 200 năm cho đất nước này thì vai trò của thanh kiếm ngày càng mờ nhạt đi. Để thích ứng với bối cảnh lịch sử này, tầng lớp võ sĩ đã đề xuất ra khái niệm "hoạt nhân kiếm", tức thanh kiếm dùng để cứu người, làm thăng hoa nhân sinh chứ không còn là công cụ để đoạt mạng như trước nữa. Trong thời đại này, người ta chú trọng về mặt tinh thần của kiếm thuật hơn là những chiêu thức hung hiểm vốn có của nó và nâng nó lên tầm một thứ triết học. Trong bối cảnh đó, xuất hiện kiếm sư Kami Izumi Ise-nokami Nobutsuna vốn xuất thân từ một thành chủ, nhưng sau từ bỏ địa vị của mình để theo đuổi một đời kiếm đạo. Càng luyện kiếm, ông càng nhận ra rằng sự tồn tại của thanh kiếm là không cần thiết, cũng như những chiêu thức của nó không nên dùng cho việc đoạt mạng nhau. Tinh thần bất bạo động này khá tương đồng với lý tưởng của môn võ Aikidō (Hiệp khí đạo) hiện đại.
Một lần nọ, Kami Izumi cùng lão đệ Suzuki Ihaku cùng người cháu trai Hikita Bungorō ghé đến xứ Yamato, là địa bàn của họ Yagyū. Lúc này Kami Izumi đã nổi dang thiên hạ về kiếm nghệ nên đương chủ nhà Yagyū là Muneyoshi, vốn là một võ sĩ đương tuổi hùng mạnh, đã nổi máu con nhà võ và xin tỷ thí với Kami Izumi. Mặc cho Yagyū Muneyoshi đang thời trai trẻ hùng hổ xông vào, Kami Izumi
chỉ đẩy nhẹ là khống chế được Muneyoshi. Sau mấy lần tái đấu, kết quả cũng đều không khác. Muneyoshi vô cùng ngạc nhiên và cảm phục tài nghệ Kami Izumi nên xin trở thành đệ tử.
Nhận thấy Muneyoshi là người có tư chất nên Kami Izumi Ise-nokami Nobutsuna truyền lại mọi áo nghĩa của phái kiếm Shinkage-ryū do mình sáng lập cùng một công án Thiền là "vô đao", lý tưởng và suy tư cả đời của mình lại cho Muneyoshi rồi rời khỏi xứ Yamato.
Nhận được công án, Muneyoshi ngày đêm nghiền ngẫm, cuối cùng cũng ngộ ra được chân ý của áo nghĩa "vô đao". "Vô" là một cảnh giới trong Thiền tông, và cũng là cảnh giới tối cao trong kiếm đạo. Kể từ khi ngộ được công án này, Yagyū Muneyoshi chẳng màn gì đến chuyện đao kiếm nữa mặc dù lúc này đã nổi danh là thiên hạ vô song. Từ công án này, ông sáng tạo ra chiêu thức "Mutō-dori" hay còn gọi là "Shinken Shiraha-dori", chiêu thức bắt kiếm bằng tay không trứ danh của phái Yagyū Shinkage-ryū.
Về già, Muneyoshi lấy hiệu là Sekishūsai và truyền lại hết áo nghĩa của tông phái cho cháu trai là Hyōgo-nosuke. Dòng họ Yagyū trải qua nhiều đời vẫn luôn giữ vững gia phong, chuộng võ nghệ và là một trong số hiếm hoi các dòng họ luôn sản sinh ra nhân tài qua nhiều thế hệ. Họ Yagyū vẫn tự xem kiếm pháp của mình không phải là kiếm pháp của thích khách. Ấy cũng là nhờ tinh thần "vô đao" do Kami Izumi Nobutsuna truyền lại vậy.
No comments:
Post a Comment