Hòa hồn
Nơi Như Thị Duyên ghi chép...
Pages
Tuesday, April 17, 2012
Duyên
Nhưng trời không cho phép nữa rồi,...
Mọi sự trên đời đều do nhân duyên tạo thành. Hết duyên thì thôi đành vậy.
Nếu trời còn thương, còn gặp lại mọi người.
Trời không thương, cảm ơn mọi người đã ủng hộ, quan tâm theo dõi bấy lâu nay.
Thursday, April 12, 2012
Ai Biết Xin Chỉ Giúp
Bất ngờ về sự tồn tại của nó.
Từ đó luôn tìm kiếm thông tin, nhưng vô vọng...
Nay lôi file đã tải trong máy từ 4 năm trước, làm sub và đi bêu rếu khắp nơi, hy vọng sẽ được cao nhân giúp đỡ...
Friday, March 16, 2012
Kyōhachi-ryū
Kyōhachi-ryū (京八流) là một phái kiếm trong truyền thuyết Nhật Bản và được xem như là thủy tổ của hết thảy tất cả các lưu phái kiếm thuật được truyền đến ngày nay.
Truyền thuyết cho rằng phái này do Kiichi Hōgan, một Âm Dương sư văn võ song toàn sống vào cuối thời Heian lập nên khi truyền dạy đao pháp cho 8 tăng lữ ở núi Kurama thuộc Kyōto. Cũng có truyền thuyết cho rằng Minamoto no Yoshitsune và nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong lịch sử cũng theo học phái kiếm này, nhưng thảy đều không có chứng cứ rõ ràng và đều không thoát ra khỏi khuôn khổ truyền thuyết.
Lại có truyền thuyết cho rằng Kyōhachi-ryū được Yoshioka Kempō Naomoto lập nên. Sau đó, đến cuối thời Chiến quốc, đầu thời Edo thì có Yoshioka Seijūrō, Yoshioka Denshichirō đều là những cao thủ của phái kiếm Kyōhachi-ryū, võ đường Yoshioka và từng tỷ thí với kiếm khách Miyamoto Musashi. Tuy nhiên, phái kiếm Yoshioka-ryū đã tuyệt duyệt và bản thân trận đấu của họ Yoshioka với Miyamoto Musashi cũng không mấy đáng tin xuất hiện trong các thư tịch cổ.
Ngoài Yoshioka-ryū, phái Kurama-ryū, Chūjō-ryū cũng được cho là bắt nguồn từ Kyōhachi-ryū. Tuy nhiên, tất cả đều không lưu lại chứng cứ rõ ràng nên phái này đang bị xem hoài nghi có tồn tại thực sự hay không. Tuy vậy, Kyōhachi-ryū vẫn là một nguồn cảm hứng, là đề tài mạnh mẽ cho nhiều tác phẩm văn học, giải trí như Manga cho đến ngày nay.
Tuesday, March 13, 2012
Gorin-no-sho 1
Gorin-no-sho (五輪, Hán Việt: Ngũ Luân Thư) là tên một tập binh pháp thư do kiếm khách Nhật Bản là Miyamoto Musashi biên soạn. Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu của ông.
Người ta cho rằng tác phẩm này được Musashi chấp bút trong hang động Reigandō trên đỉnh núi Kimpōzan thuộc xứ Kumamoto trước khi ông mất, trong khoảng thời gian từ năm Kan-ei thứ 20 (1643) cho đến năm Shōhō thứ 2 (1645).
Nội dung của Gorin-no-sho chủ yếu bàn về binh pháp, võ nghệ, kiếm pháp nhưng ngày nay, nó được đánh giá cao ở nhiều phương diện như chiến lược, kinh doanh, giáo dục,... Gorin-no-sho thể hiện quan điểm của Musashi về cách để đi đến chiến thắng trong các trận đấu. Yếu tố này được các doanh nhân hiện đại coi trọng, họ xem đó là một phần kim chỉ nam giúp họ đạt được thành công trong sự nghiệp.
Bản gốc của Gorin-no-sho do Musashi viết đã bị đốt cháy, hiện chỉ còn một số bản sao. Vì bản chính không còn tồn tại mà giữa các bản sao có lại có nhiều điểm dị biệt, và cũng vì tập sách có nhiều ghi chép dựa trên các giá trị quan sau thời của Musashi nên có thuyết cho rằng Gorin-no-sho không phải trước của Miyamoto Musashi mà là tác phẩm của các đệ tử hậu thế rồi gán ghép cho ông.
Ngày nay, sách được dịch và chú giải bằng tiếng Nhật hiện đại và cũng được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác.
Một bản sao Gorin-no-sho
Tên sách, Gorin-no-sho hay "Ngũ Luân Thư", bắt nguồn từ quan niệm ngũ đại trong Phật giáo Mật tông. Sách gồm 5 quyển lần lượt là "địa", "thủy", "hỏa", "phong" và "không".
Địa thư (Chi-no-maki):
Musashi tự xưng phái kiếm của mình là Niten Ichi-ryū, giới thiệu về cuộc đời và công phu binh pháp của mình. Đương thời, từ "binh pháp" (heihō, hyōhō) được dùng theo cả hai nghĩa là thuật dụng binh và nghĩa võ nghệ, kiếm pháp. Quyển này được đặt tên là "địa thư" dựa trên quan điểm "con đường thẳng thì viết trên mặt đất".
Thủy thư (Sui-no-maki):
Phần này bàn về tâm lý chuẩn bị đối với phái kiếm Niten Ichi-ryū, cách cầm kiếm và nhiều khía cạnh liên quan đến kiếm thuật khác. Quyển này được đặt tên là "thủy thư" dựa trên quan điểm "Niten Ichi-ryū như dòng nước dẫn đường", trong đó thân pháp (Taisabaki), kiếm chiêu (Kensabaki) linh hoạt uyển chuyển như nước chảy.
Hỏa thư (Hi-no-maki):
Phần này viết về thực chiến, cá nhân đấu cá nhân, số đông chọi số đông cũng như tâm lý khi lâm chiến. Phần này được đặt tên là "hỏa thư" dựa trên quan điểm "trận đấu như thế lửa cháy dữ".
Phong thư (Fū-no-maki):
Viết về các môn phái khác. Vì phần này bàn đến chỗ hay dở của từng phái kiếm, từng nhà từng họ nên tác giả chơi chữ đặt tên là "phong thư" vì "phong" còn có nghĩa là phong cách, dạng thứ như "gia phong", "cổ phong"...
Không thư (Kū-no-maki):
Phần này viết bản chất của binh pháp là "không", to lớn quãng đại khôn lường.
Reigan-dō (Linh Nghiêm động), nơi Musashi ẩn dật vào cuối đời và cũng là nơi ông hoàn tất Gorin-no-sho
+ Phê phán các môn phái ưa dùng trường kiếm vì không thích hợp khi cận chiến và trở thành bất lợi khi chiến đấu ở nơi chật hẹp. Kiếm sĩ phải từ bỏ tâm lý dựa dẫm vào vũ khí dài.
+ Phê phán các môn phái ưa dùng đoản kiếm, vì đoản kiếm chỉ thích hợp với "hậu thủ" chứ không thể chiếm được "tiên thủ" và đoản kiếm cũng bất lợi khi phải chọi với số đông.
+ Phê phán các môn phái ưa vung kiếm thật mạnh, vì khi ra đòn mạnh thì ta cũng sẽ mất thăng bằng và tăng nguy cơ làm gãy kiếm.
+ Phê phán các môn phái có bộ pháp kỳ lạ, vì nhiều chuyển động quái dị khiến chậm mất nhịp, bị địch chiếm mất tiên thủ và cũng bị giới hạn ở nhiều địa hình khác nhau.
+ Phê phán các môn phái chấp trước vào thế thủ. Thế thủ là yếu tố căn bản nhưng mang tính phòng vệ, là hậu thủ. Trong thực chiến, để làm địch hỗn loạn, phân tâm thì thế thủ phải mềm dẻo linh hoạt.
+ Phê phán các môn phái sở hữu tuyệt kỹ bí truyền, vì khi chém nhau trong thực chiến thì không phân biệt tuyệt kỹ hay kỹ thuật sơ bộ, phàm đòn nào đả thương đối thủ đều có giá trị như nhau cả. Khi đào tạo thì cần dựa vào năng lực thực tế của từng cá nhân mà chỉ đạo.
Từ những điểm phê phán các môn phái khác, tác giả làm rõ tính hữu dụng của Niten Ichi-ryū.
+ Watanabe Ichirō, "Gorin-no-sho", NXB Iwanami shoten
+ Sokomoto Hosokawa kehon
+ Mihashi Kan-ichirō, "Kendō Hiyō", NXB thể dục thể thao, 2002
+ "Gorin-no-sho", phụ lục "Kendō Hiyō"
+ Matsunobu Ichiji, "Ketteiban Miyamoto Musashi zensho"
+ Gorin-no-sho bản chính thức, dịch sang tiếng Nhật hiện đại do Ōkura Ryūji dịch
Sunday, March 4, 2012
Sasaki Kojirō
Sasaki Kojirō (佐々木 小次郎) là một kiếm khách Nhật Bản sống vào thời Azuchi Momoyama cho đến đầu thời Edo. Kiếm khách này không rõ năm sinh, mất vào ngày 13 tháng 4 năm Keichō thứ 17 (13-5-1612). Kojirō hiệu là Ganryū, chữ Hán viết là 巌流 (Nham Lưu), 岸流 (Ngạn Lưu), 岸柳 (Ngạn Liễu), 岩龍 (Nham Long)..... Những chữ này tuy viết khách nhau nhưng đều phát âm là Ganryū trong tiếng Nhật.
Sasaki Kojirō trở nên nổi tiếng vì trận quyết đấu với kiếm hào Miyamoto Musashi trên đảo Ganryū (Ganryū-jima).
Tượng đá Sasaki Kojirō và Miyamoto Musashi trên đảo Ganryū.
Cuộc đời
Về xuất thân của Sasaki Kojirō thì còn nhiều điểm không rõ ràng. Có thuyết cho rằng Kojirō ra đời trong một gia đình hào tộc có thế lực ở làng Fukuda, quận Tagawa thuộc xứ Buzen (nay là tỉnh Fukuoka). Trong cuốn "Nhị Thiên ký" (Nitenki) do Toyoda Kagehide ở phiên trấn Kumamoto biên tập vào năm An-ei thứ 5 (1776) thì ghi rằng Kojirō xuất thân từ làng Jōkyōji thuộc xứ Echizen (nay là tỉnh Fukui) và hội đắc được bí kiếm "Tsubame-gaeshi" tại thác nước Ichijō-taki thuộc địa phận Fukui. Trong tiểu thuyết "Miyamoto Musashi", tác giả Yoshikawa Eiji viết rằng Kojirō xuất thân từ xứ Suō. Năm sinh của Kojirō được cho là vào niên hiệu Tenshō hoặc Eiroku. Kojirō họ Sasaki, nhưng trong sách "Tanji Hōkin Hikki" thì ghi là họ Tsuta.
Sasaki Kojirō được cho là theo học kiếm pháp với Toda Seigen, cao thủ phái Chūjō-ryū, lại có thuyết khác cho rằng Kojirō là đệ tử của Kanemaki Jisai, học trò của Toda Seigen. Đầu tiên Kojirō theo thờ họ Mōri ở xứ Aki, lang thang khắp các xứ để trau dồi võ công, sáng tạo ra thế kiếm "Tsubame-gaeshi" và gây dựng nên phái kiếm Gan-ryū. Sau Kojirō giữ chức Shihan dạy kiếm thuật cho chúa phiên Kokura. Năm Keichō thứ 17 (1612), Kojirō sử thanh trường kiếm Bizen Osafune Nagamitsu dài 3 thước 3 thốn (chừng 1 mét) quyết đấu với kiếm khách giang hồ Miyamoto Musashi trên đảo Ganryū và chết trong trận đấu đó. Vì thua trận nên hậu thế gọi thanh kiếm của Kojirō bằng tục danh "Monohoshi-zao", nghĩa là cây sào phơi đồ, với ý châm chọc là kiếm chỉ dài thôi chứ chẳng chém được ai.
Rất nhiều sử liệu ghi chép rằng Kojirō thua chết trong trận quyết đấu trên đảo Ganryū với Miyamoto Musashi, nhưng theo Numata Nobumoto, quan Gia Lão của lãnh chúa Hosokawa phiên Kokura viết lại trong cuốn sách của ông là "Numata kaki" (ký ghi chép của họ Numata) thì Musashi đã không giết chết Kojirō trong trận đấu đó. Kojirō đấu thua, chặp sau tỉnh lại thì bị đám đệ tử của Musashi giết chết. Numata cũng viết rằng chúng đệ tử của Kojirō hận Musashi vì đấu thua, toan tập kích Musashi nhưng nhờ Numata giúp đỡ mà Musashi thoát được. Sách viết nguyên nhân dẫn đến trận quyết đấu trên đảo là do đám đệ tử quá khích của hai người tranh cãi hơn thua về sư phụ chúng.
Năm mất
Trong "Nitenki" (Nhị Thiên ký), cuốn truyện ký kể về Miyamoto Musashi do quan Gia lão của chúa Hosokawa là Toyoda Kagehide viết có đoạn chép rằng khi quyết đấu với Musashi trên đảo Ganryū thì Kojirō đã 18 tuổi. Nhưng trong cuốn "Bukōden" (Võ công truyện) vốn là nguyên bản của "Nitenki" thì không có đoạn chép trên nhưng có đoạn viết rằng Sasaki Kojirō sáng lập môn phái năm 18 tuổi. Nếu căn cứ vào việc Kojirō gặp gỡ Toda Seigen thì ít nhất cũng đã trên 50 tuổi, nếu là đệ tử chân truyền của Seigen thì Kojirō phải là một lão nhân. Do đó có nhiều thuyết cho rằng sách ghi sai số tuổi của Kojirō lúc quyết đấu trên đảo từ "thất bát" (78) thành "thập bát" (18) bởi Hán tự "thất" và "thập" có tự dạng gần giống nhau. Lại xem nếu Kojirō là đệ tử của Kanemaki Jisai thì rất nhiều khả năng Kojirō nhiều tuổi hơn Musashi.
Tsuruta Kōji trong vai Sasaki Kojirō trong bộ 3 phim Miyamoto Musashi của đạo diễn Inagaki Hiroshi
Tính cách
Nhân vật Sasaki Kojirō được đại đa số dân Nhật cho rằng là người ngạo mạn bất tôn, tuy có tài nhưng ba hoa lắm tật, lại xảo quyệt gian manh. Quan niệm này xuất phát từ cuốn tiểu thuyết "Miyamoto Musashi" của văn hào Yoshikawa Eiji, trong đó Kojirō là đối thủ chính của nhân vật chính là Musashi được mô tả với những đặc tính tốt đẹp của dân tộc Nhật còn Kojirō thì hoàn toàn ngược lại. Tác giả Yoshikawa còn miêu tả Kojirō như một kẻ đồng bóng, thích ăn mặc lòe loẹt, đỏm dáng. Trong "Kōdan Miyamoto Musashi" của diễn giả Itō Ryōchō cũng mô tả Sasaki Ganryū Kojirō như kẻ quỷ quyệt, láu cá. Một số truyện ký, ký sự cổ từ thời Edo cũng nhìn nhận Kojirō với những tính cách tiêu cực như vậy.
Tuy nhiên cũng có những quan điểm ủng hộ Kojirō, phản bác lại cách nhìn nhận truyền thống đối với nhân vật này. Điển hình là nhà văn Murakami Genzō trong tiểu thuyết "Sasaki Kojirō" của mình cũng đã miêu tả nhân vật này với những tính cách tích cực và nhìn nhận tiêu cực về Miyamoto Musashi. Họa sĩ truyện tranh Inoue Takehiko thì miêu tả Kojirō trong tác phẩm Vagabond của mình là một kiếm khách thiên tài nhưng câm điếc bẩm sinh, mang nhiều nét thơ ngây và ít nhiều thể hiện thiện cảm đối với nhân vật này, dù nhân vật chính của tác phẩm vẫn là Musashi.
Watanabe Ken trong vai Kojirō (phải) trong phim Ganryū-jima
Tuyệt kỹ Tsubame-gaeshi
Tuyệt chiêu của Sasaki Kojirō thường được nhắc đến là "Tsubame-gaeshi" (én lượn) với đặc trưng là hai nhát chém chớp nhoáng theo hướng ngược nhau. Sở dĩ chiêu thức này có tên như vậy là vì nó mô phỏng động tác bay lượn của chim én, nhanh gọn và đảo hướng bất ngờ. Kojiō sáng tạo nên tuyệt kỹ này khi quan sát én bay trên cầu Kintai ở xứ Iwakuni. Tuy nhiên, trong một phim tài liệu trên đài Terebi Asahi vào năm 2007, có chứng cớ cho thấy rằng Tsubame-gaeshi chỉ là sản phẩm của hậu thế gán cho Kojirō vào khoảng 60 năm sau ngày quyết đấu trên đảo Ganryū. Theo phim tài liệu này thì nguyên bản của chiêu thức Tsubame-gaeshi chính là chiêu kiếm Torakiri.
Trong "Kōdan Miyamoto Musashi", diễn giả Itō Ryōchō kể rằng Kojirō hội đắc được kiếm pháp này khi chém đứt cánh chim én bay vào nhà. Chim én là loài bay lượn vô địch trên trời, nhưng tuyệt kỹ Tsubame-gaeshi của Sasaki Kojirō có thể chém rụng cánh én nhờ tốc độ thần sầu và độ chính xác của nó. Nhiều phái kiếm cổ như Yagyū-ryū cũng có chiêu thức Tsubame-gaeshi với hai nhát chém thần tốc ngược hướng nhau, thường là nhát đầu tiên bổ thẳng từ trên xuống và ngay sau đó là nhát chém ngược từ dưới lên.
Sasaki Kojirō trong văn hóa đại chúng
Hình tượng Sasaki Kojirō rất phổ biến trong văn hóa đại chúng Nhật Bản, và thường xuất hiện trong vai trò đối lập với nhân vật Musashi.
Phim ảnh
+ Sasaki Kojirō (1950, nguyên tác Murakami Genzō, đạo diễn Inagaki Hiroshi, tài tử Ōtani Tomoemon thủ diễn)
+ Zoku Sasaki Kojirō (1951, nguyên tác Murakami Genzō, đạo diễn Inagaki Hiroshi, tài tử Ōtani Tomoemon thủ diễn)
+ Kanketsu Sasaki Kojirō (1951, nguyên tác Murakami Genzō, đạo diễn Inagaki Hiroshi, tài tử Ōtani Tomoemon thủ diễn)
+ Kettō Ganryū-jima (1956, nguyên tác Yoshikawa Eiji, đạo diễn Inagaki Hiroshi, tài tử Tsuruta Kōji diễn)
+ Miyamoto Musashi Nitō-ryū Kaigan (1963, nguyên tác Yoshikawa Eiji, đạo diễn Uchida Tomu, tài tử Takakura Ken diễn)
+ Miyamoto Musashi Ichijō-ji no kettō (1964, nguyên tác Yoshikawa Eiji, đạo diễn Uchida Tomu, tài tử Takakura Ken diễn)
+ Miyamoto Musashi Ganryū-jima no kettō (1965, nguyên tác Yoshikawa Eiji, đạo diễn Uchida Tomu, tài tử Takakura Ken diễn)
+ Sasaki Kojirō (1967, Murakami Genzō, đạo diễn Inagaki Hiroshi, tài tử Onoue Kikunosuke)
+ Miyamoto Musashi (1973, nguyên tác Yoshikawa Eiji, đạo diễn Katō Tai, Tamiya Jirō diễn)
+ Makai Tenshō (1981, nguyên tác Yamada Fūtarō, Shirai Jirō diễn)
+ Ganryū-jima GANRYUJIMA (2003, đạo diễn Chiba Seiji, Nishimura Masahiko diễn)
Phim truyền hình
+ Miyamoto Musashi (1961, Fuji Terebi, Nakaya Noboru diễn)
+ Sorekara no Musashi (1964, 1965, Mainichi Hōsō, Utsui Ken diễn)
+ Miyamoto Musashi (1965, Nihon Terebi, Nakatani Ichirō diễn)
+ Miyamoto Musashi (1970, NET, Yamazaki Tsutomu diễn)
+ Miyamoto Musashi (1975, Kansai Terebi, Hamahata Kenkichi diễn)
+ Miyamoto Musashi (1984, NHK Taiga Drama, Naka Kōji diễn)
+ Miyamoto Musashi (1990, Terebi Tōkyō, Murakami Hiroaki diễn)
+ Ganryū-jima (1992, NHK, Watanabe Ken diễn)
+ Tokugawa Kengōden Sorekara no Musashi (1996, Terebi Tōkyō, Takuma Shin diễn)
+ Miyamoto Musashi (2001, Terebi Tōkyō, Yoshida Eisaku diễn)
+ Musashi MUSASHI (2003, NHK Taiga Drama, Matsuoka Masahiro diễn)
Manga
+ Vagabond (nguyên tác Yoshikawa Eiji, vẽ tranh Inoue Takehiko)
+ GANRYU
+ YAIBA
+ Gag Manga Biyori
+ Fate/stay_night
Video Game
+ Series Kengō (Genki phát hành)
+ Series Nobunaga no Yabō (Koei phát hành)
+ Series Taikō Risshiden (Koei phát hành)
+ Sengoku Musō 2 Mōshōden (Koei phát hành)
+ Musō OROCHI Maō sairin (Koei phát hành)
+ THE Kassen Sekigahara (3D Publisher)
+ Aku daikan 2 (GAE)
+ Edo mono (GAE)
+ Ryū ga gotoku kenzan (Sega)
+ Fate/stay_night
+ LORD of VERMILION Re:2(SQUARE ENIX)
Sunday, February 19, 2012
Ittō Ittōsai
Ittō Ittōsai (伊東 一刀斎, năm sinh năm mất không rõ) là một kiếm khách Nhật Bản sống thời Chiến quốc cho đến đầu thời Edo. Ông họ là Itō, hiệu là Kagehisa, tục danh là Maebara Yagorō. Itō Ittōsai được cho là khai tổ của phái kiếm Ittō-ryū (Nhất đao lưu) cực thịnh vào thời Edo nhưng bản thân ông chưa bao giờ xưng lưu phái của mình là Ittō-ryū. Các đệ tử của ông có những người nổi tiếng như Ono Zenki, Kotōda Toshinao và Ono Tadaaki.
Ittō Ittōsai trong Manga "Vagabond" dưới nét vẽ của họa sĩ Inoue Takehiko
Lai lịch
Về lai lịch của Ittōsai thì có nhiều thuyết khác nhau và đến giờ vẫn chưa thể đánh giá được đâu là đúng. Về năm sinh thì có thuyết nói Ittōsai sinh năm 1550 (niên hiệu Tenmon thứ 5), có thuyết nói sinh năm 1560 (Eiroku thứ 3), mất năm 1628 (Kan-ei thứ 5), lại có thuyết nói ông mất vào năm 1632 khi đã 90 tuổi. Nhưng tựu trung đều thống nhất rằng Ittōsai là người quận Itō thuộc xứ Izu ngày xưa, lấy nơi xuất thân làm họ. Tuy nhiên tại Itō, địa phương được cho là nơi xuất thân của Ittōsai thì lại hoàn toàn không lưu truyền một huyền thoại, giai thoại nào về nhân vật Itō Ittōsai này. Tuy nhiên, nếu dựa theo giai thoại về thanh kiếm Kamewari-tō (kiếm chém bình) thì thấy Ittōsai xuất thân từ Izu Ōshima, một hòn đảo phía Bắc quần đảo Izu. Năm 14 tuổi, Itō bám theo một tấm khung cửa bơi đến Mishima, tỷ thí với viên tư tế quản đền thờ ở đó là Toda Ippō. Itō thắng trận tỷ thí và được tư tế ban cho bảo kiếm. Một lần khác Itō dùng kiếm này chém chết 7 tên đạo tặc, tên cuối cùng trốn vào trong chiếc bình to và Itō dùng kiếm chém đứt đôi cái bình lẫn người bên trong. Vì thế thanh kiếm có tên là Kamewari-tō.
Tuy nhiên, theo sách "Ittō-ryū densho" thì Itō ra đời ở miền Tây Nhật Bản và theo Yamada Jirōkichi, một kiếm thuật gia nổi danh thời Meiji thì trong truyền thư của phái kiếm Kotōda-ryū có ghi chép chuyện Ittōsai ra đời ở Katata thuộc xứ Ōmi. Lại theo sách "Ehon Eiyū Bidan" thì Ittōsai là người vùng Kanazawa xứ Kaga hay vùng Tsuruga xứ Echizen, là kiếm sư của võ tướng Ōtani Yoshitsugu, thành chủ Tsuruga. Vị võ tướng này sau tử chiến trong trận Sekigahara nên Ittōsai trở thành võ sĩ vô chủ, sau về ở ẩn ở xứ Shimōsa đến cuối đời. Về nơi chết của Ittōsai, cũng có thuyết cho rằng ông chết ở thành phố Sasayama thuộc xứ Tamba.
Sư phụ của Ittōsai và cực ý kiếm thuật
Theo sách "Ittō-ryū no Gokui" (cực ý của phái kiếm Ittō-ryū, tác giả Sasamori Junzō) thì Itō đến Edo theo học đoản kiếm Kodachi và Chūdachi với Kanemaki Jisai, cao thủ phái Chūjō-ryū nổi danh với cực ý "Cao thượng kim cang đao". Yagorō (Ittōsai) ngày đêm luyện tập không ngừng nghỉ khiến Kanemaki Jisai cảm tâm mà trao lại hết 5 điểm cực ý, tuyệt học của môn phái gồm các áo nghĩa bí kiếm là "Diệu kiếm" (Myōken), "Tuyệt diệu kiếm" (Zetsumyōken), "Chân kiếm" (Shinken), "Kim sí điểu vương kiếm" (Konjichō Ōken) và "Độc diệu kiếm" (Dokumyōken). Một lần nọ Yagorō bị người thiếp yêu lừa gạt, dẫn thích khách đến ám sát trong lúc ngủ. Trong lúc nguy cấp, Yagorō xuất kỳ bất ý đánh ra chiêu thức "Phất xả đao" (Hossha-tō), sau trở thành một trong các chiêu kiếm cực ý của mình. Một lần khác, trong lúc viếng thăm đền thờ Tsuruga-oka, Yagorō ngộ ra bí kiếm "Mộng tưởng kiếm" (Musōken) chém chết giặc trong cơn vô thức. Theo sách này thì Yagorō Ittōsai phiêu du khắp các xứ trên toàn cõi Nhật Bản, tỷ thí 33 trận và không bại trận nào.
Trong một cuốn sách ghi chép khác của Sanada Shigenobu, một võ tướng sống dưới thời Azuchi đến đầu thời Edo, sách vẫn còn lưu lại đến ngày nay, có mục "Mộng tưởng kiếm tâm pháp thư" chép vào tháng 7 năm Bunroku thứ 4 (1595), rằng có đến hai nhân vật xưng danh Toda Ittōsai. Toda Ittōsai là tên khác của Kanemaki Jisai, sư phụ của Ittōsai và đây cũng là nhân vật không rõ lai lịch nên có khả năng sự tích, xuất thân của hai thầy trò này trùng lặp với nhau. Lại theo sách "Ngọc Anh thập di" của họ Yagyū thì sư phụ của Ittōsai là Yamazaki Seigen. Thực tế có nhân vật Yamazaki Sakon Shōgen Kagenari là em trai của Toda Shigemasa, cao thủ phái kiếm Toda-ryū lừng danh ở xứ Echigo. Nhân vật Yamazaki Kagenari này cũng là một tay hào kiếm trong phái Toda-ryū nên giới nghiên cứu cũng suy đoán rằng có lẽ nhân vật Yamazaki Seigen này chính là Yamazaki Kagenari.
Tỷ thí với người đại lục
Trong những năm Tenshō, Toda Ittōsai có phiêu bạc giang hồ đến xứ Sagami và được rất nhiều người kéo đến xin nhập môn. Khoảng thời gian này Toda Ittōsai nhận Kotōda Toshinao (khai tổ của phái kiếm Kotōda Ittō-ryū, gia thần của họ Hōjō) làm cao đồ. Từ ghi chép này có thể suy đoán rằng Toda Ittōsai chính là Itō Ittōsai. Năm Tenshō thứ 6 (1578), có một người Hoa tên Thập Quan, cao thủ đao thuật Trung Quốc cập bến Sagami, tỷ thí với Ittōsai. Ittōsai tay mang cầm một chiếc quạt đã đánh bại Thập Quan dùng mộc đao.
Hoa kiều đến định cư tại Nhật Bản, khi lấy tên Nhật thì thường thêm từ "Quan" trong tên để không quên nguồn gốc. Do vậy trong tâm thức người Nhật, những cái tên "~ Quan" là để chỉ Hoa kiều định cư tại nước này. Đương thời người Nhật chưa biết nhiều về tên họ người Hoa nên "~ Quan" chỉ là những cái tên chung chung dùng để chỉ người Hoa tại Nhật. Do đó rất có thể Thập Quan chỉ là cái tên chung vì không xác định được danh tính của nhân vật đó mà thôi.
Trong tùy bút "Mimibukuro" vào cuối thời Edo có ghi lại chuyện đệ tử của Ittōsai là Ono Tadaaki dùng quạt sắt đánh bại đối thủ mang mộc kiếm. Về nội dung thì hoàn toàn giống với câu chuyện của Ittōsai và đến nay vẫn chưa xác minh được câu chuyện này có thật hay chỉ vì hậu nhân yêu thích câu chuyện của Ittōsai mà chép lại, hoặc giả là dựng nên để tuyên truyền cho thuật đánh quạt sắt (Tessen) vốn là một loại võ thuật hộ thân thời bấy giờ.
Hệ thống lưu phái Ittō-ryū
Theo hai tập sách cổ "Ittō-ryū Kōdensho" và "Gekken Sōdan", Ittōsai cho hai cao đồ là Ono Zenki và Mikogami Tenzen tỷ thí với nhau ở xứ Shimōsai. Người thắng cuộc là Tenzen được Ittōsai truyền thụ lại hết bí kỹ của môn phái. Bản thân Tenzen sau này cũng được Ittōsai tiến cử với Tướng quân Tokugawa Ieyasu, đến năm Bunroku thứ 2 (1593) thì được trọng dụng với bổng lộc 200 hộc. Tenzen sau này đổi sang họ mẹ là Ono, xưng danh là Tadaaki. Con trai của Tadaaki là Ono Tadatsune sau dựng nên Onoha Ittō-ryū (phái Ittō-ryū, nhánh Ono), trong khi đó em trai của Tadaaki là Itō Tenzen Tadanari cũng gây dựng nên Itōha Ittō-ryū (phái Ittō-ryū, nhánh Itō).
Về sau, các nhánh này còn phân thêm nhiều nhánh nhỏ khác nữa, nhưng tựu trung là đều bắt nguồn từ Ittō-ryū của Ittōsai và có ảnh hưởng nhiều đến Kendō hiện đại.
Tiểu thuyết
Nhân vật Itō Ittōsai còn xuất hiện trong một số tiểu thuyết thời đại như
+ "Nihon kenkiden Itō Ittōsai" (Truyện quỷ kiếm Nhật Bản Itō Ittōsai), tác giả Mine Ryū Ichirō
+ "Kensei Itō Ittōsai" (Kiếm thánh Itō Ittōsai, bộ 5 tập), tác giả Nitta Yoshio.
+ "Itō Ittōsai" (bộ 3 cuốn thượng, trung, hạ), tác giả Tobe Shinjūrō
+ "Itō Ittōsai" (bộ 2 cuốn thượng, hạ), tác giả Yoshimura Ken-ichi
+ "Tenka ichi no ken" (thiên hạ đệ nhất kiếm), tác giả Kojima Hideki
+ "Kengō Ittōsai" (Kiếm hào Ittōsai), tác giả Shibata Tei.
Wednesday, February 8, 2012
Kanemaki Jisai
Kanemaki Jisai (鐘捲 自斎) là một kiếm hào thời Chiến quốc, khai tổ của phái kiếm Kanemaki-ryū, một phân nhánh của Chūjō-ryū. Ông được cho là sư phụ của Itō Ittōsai và cho đến nay người ta vẫn chưa xác định chính xác năm sinh và năm mất của ông.
Kanemaki Jisai có thông gia họ Toda (外他), sau theo học kiếm pháp với Toda (富田) Jibusaemon (Toda Kagemasa), một cao thủ phái kiếm Toda-ryū và cũng là thầy dạy kiếm cho họ Asakura, một hào tộc ở xứ Echizen. Người ta cho rằng trong thời gian này ông xưng danh là Toda Ittōsai và được gọi là tam kiệt của họ Toda cùng với Yamazaki Sakon Shōgen, Hasegawa Munenobu.
Đệ tử của Jisai thì có Maebara Yagorō, người này được sư phụ trao cho danh hiệu "Ittōsai" và kể từ đó, Yagorō xưng danh là Itō Ittōsai và sau này gây dựng nên phái kiếm Ittō-ryū. Nhiều tài liệu cho thấy Jisai đã truyền lại cực ý của môn phái là "Cao thượng cực ý ngũ điểm" cho học trò Itō Ittōsai. Và cũng vì có thời gian Jisai xưng danh là Toda Ittōsai nên cũng có thuyết cho rằng hai nhân vật Ittōsai này cùng là một người. Itō Ittōsai có một cao đồ tên là Kotōda Kageyuzaemon, tự xưng môn phái của mình là Toda Ittō-ryū và cũng có thời gian Jisai xưng môn phái của mình là Kanemaki Toda-ryū nên mới dẫn đến thuyết hai sư đồ Kanemaki Jisai và Itō Ittōsai cùng là một người. Ngoài ra Kanemaki Jisai còn có một người đệ tử nổi danh khác là Sasaki Kojirō.
Toàn bộ đạo học của Kanemaki Jisai được Nakamura Ujike kế thừa. Người này sau làm hộ vệ cho một phiên chúa ở Sendai.
Monday, January 23, 2012
Song kiếm
Song kiếm Nhật Bản
Hình thức cơ bản nhất của các phái song kiếm Nhật Bản là cầm kiếm chính (kiếm dài, Honzashi) bằng tay thuận và kiếm phụ (kiếm ngắn, Wakizashi) ở tay còn lại. Kiếm Nhật vốn dài và nặng, được chế tạo với mục đích cầm bằng hai tay nên kỹ thuật đánh song kiếm bằng kiếm Nhật rất khó hội đắc. Vì vậy có rất ít lưu phái tập trung chủ yếu vào lối đánh song kiếm. Trong cả nghìn phái kiếm Nhật tự cổ chí kim, chỉ có vài lưu phái là truyền thụ kỹ thuật này. Trong Kendō, môn thể thao phát sinh từ kiếm thuật Nhật Bản cổ cũng thấy có nhiều Kendōka sử dụng song kiếm. Cũng có phái kiếm Ittō-ryū ban đầu tập luyện song kiếm cho quen tay rồi sau trở lại cầm một kiếm bằng hai tay.
Kỹ thuật đánh song kiếm chủ yếu được truyền dạy trong các phái võ nghệ cổ, có phái dạy cầm kiếm chính bằng tay thuận và cũng có phái cầm kiếm chính bằng tay nghịch. Cũng có một số ít lưu phái sử dụng cả hai kiếm phụ (Wakizashi) ở cả hai tay. Ngoài ra còn thấy có thuật đánh Jitte ở cả hai tay như song kiếm hoặc dùng hai lưỡi hái cùng lúc. Trong Shurikenjutsu cũng tồn tại một loại kỹ thuật cầm kiếm ở một tay và tay nghịch cầm Shuriken.
Trong các lưu phái lấy kỹ thuật đánh song kiếm làm trọng tâm thì có phái Niten Ichi-ryū do Miyamoto Musashi sáng lập là nổi tiếng nhất. Ngoài ra, lịch sử còn ghi nhận Nitta Yoshisada, một võ tướng sống vào thời Kamakura cũng là một đại cao thủ sử dụng song kiếm. Trong Taiheiki (Thái bình ký) có những đoạn miêu tả Nitta hai tay cầm hai đại kiếm chém rơi tên bắn về phía mình. Trong các phái võ cổ ở Okinawa, nơi chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Hoa và Đông Nam Á, còn thấy có những kỹ thuật đánh Sai và Tonfa ở cả hai tay.
Song kiếm các nước
Tương tự Nhật Bản, người Châu Âu cũng có kỹ thuật đánh hai kiếm, tay phải cầm kiếm Rapier và tay trái cầm đoản kiếm Main-gauche. Nhìn từ góc độ của kiếm Tây (Fencing) và Kendō thì kỹ thuật này khá kỳ dị, nhưng sự kết hợp giữa Rapier và Main-gauche lại cực kỳ phổ biến ở phương Tây. Kỹ thuật này thường thấy ở Ý trong thời kỳ phục hưng. Nguyên lai, kỹ thuật đánh kiếm của phương Tây coi thanh kiếm ở tay phải để tấn công, còn tay trái cầm khiên để phòng thủ nên kỹ thuật song kiếm với kiếm ngắn ở tay trái cũng không trái với lối suy nghĩ của người Tây. Hơn nữa, lối đánh này chủ yếu dùng đòn đâm nên có ưu điểm dễ phòng ngự hơn đòn chém. Đoản kiếm Main-gauche thường có đốc kiếm lớn hoặc đốc kiếm dạng móc như Jitte nên khi đỡ kiếm của đối phương thì không còn linh hoạt được nữa. Lợi điểm của lối đánh song kiếm với một tay cầm kiếm ngắn là có thể kiểm soát tình huống ở khoảng cách xa và gần, nhất là khi hai đấu thủ đang ở khoảng cách xa, bất ngờ tăng tốc tiếp cận nhau thì dù nhát đánh thứ nhất bằng kiếm dài không thành công cũng có thể ra đòn tiếp theo bằng kiếm ngắn.
Trung Hoa cũng có kỹ thuật đánh song kiếm, song đao, ở Đông Nam Á cũng thấy có những kỹ thuật đánh hai gậy, hai đoản kiếm hay hai trường kiếm trong các môn võ Sillat và Eskrima.
Song kiếm Nhật Bản trong thể thao
Trong Kendō, Nitō-ryū được thừa nhận trong các giải đấu chính thức, và nó cũng được gỡ bỏ lệnh cấm từ năm 1992 trong các giải đấu học sinh. Trong thi đấu, kiếm ngắn Kodachi chủ yếu được dùng để đỡ và gạt kiếm của đối phương và kiếm dài Tachi dùng để đánh vào người đối phương, ghi điểm. Về cơ bản thì đòn đánh vào người đối phương bằng kiếm ngắn Kodachi không được xem là đòn đánh hiệu lực. Nói một cách kỹ càng thì đòn đánh bằng Kodachi vẫn được xem là đòn đánh hiệu lực, nhưng vì phạm vi tấn công hẹp nên rất khó để ra đòn hoàn hảo bằng Kodachi nên không được xem là đòn đánh hiệu lực. Mặt khác, kiếm dài Tachi của các đấu sĩ Nitō-ryū cũng ngắn hơn kiếm bình thường nên đòn đâm ngực đối với đấu sĩ Nitō-ryū không được thừa nhận từ năm Heisei thứ 7 (1995) theo luật sửa đổi.
Nitō-ryū trong tiếng Nhật
Nitō-ryū, ngoài nghĩa là phái song kiếm, lối đánh hai kiếm thì từ này còn mang ý nghĩa "lưỡng thê", "lưỡng cư", "xăng pha nhớt" trong cảm giác của người Nhật. Nitō-ryū còn là ẩn ngữ, tiếng lóng chỉ người đồng tính (nhất là nam). Nitō-ryū cũng dùng để chỉ người thích uống rượu và ăn đồ ngọt, vì phần đông người thích uống rượu thì ngán đồ ngọt.
Trong bóng chày, người ta cũng gọi các tuyển thủ đánh bóng được cả hai tay (Switch hitter), tuyển thủ làm nhiệm vụ ném bóng kiêm bắt bóng là Nitō-ryū.
Các phái song kiếm tồn tại đến ngày nay
* Niten Ichi-ryū (dạy chính là song kiếm)
* Musashi Enmei-ryū
* Tenshin Shōden Katori Shintō-ryū
* Shinkage-ryū
* Shingyōtō-ryū
* Ryūgō-ryū
* Kageyama-ryū
* Ōishi Shinkage-ryū
* Tokuei Sō-ryū
* Shibukawa-ryū
* Shindō Musō-ryū Jōjutsu
* Komagawa Kaishin-ryū
* Daitō-ryū (phái này chủ yếu dạy Hiệp khí Nhu thuật)
* Yagyū Shingan-ryū
* Tendō-ryū
* Ikkaku-ryū
* Asayama Ichiden-ryū
Sunday, January 8, 2012
Manga: Azumi
Azumi (biểu ký bằng Hiragana: あずみ) là tên một tác phẩm Manga thể loại hành động của họa sĩ Koyama Yū và cũng là tên hai bộ phim cùng tên được dựng từ tác phẩm Manga này.
Khái yếu
Tác phẩm này được đăng tải liên tục từ năm 1994 cho đến năm 2008 trên tạp chí Manga của nhà xuất bản Shōgakukan là Big Comic Superior thì hoàn tất bộ 1. Bộ 1 gồm 48 cuốn in thành khổ bỏ túi (Tankōbon). Bộ 2 của tác phẩm này mang tên AZUMI, biểu ký bằng chữ La Tinh chứ không bằng chữ Hiragana như bộ 1, bối cảnh là cuối thời Mạc phủ. Tác phẩm này từng nhận được giải thưởng ưu tú nhất của bộ môn Manga tại hội văn hóa nghệ thuật Media vào năm 1997 và giải thưởng Manga của Shōgakukan lần thứ 43 dành cho bộ môn thanh thiếu niên vào năm 1998.
Nội dung
Đầu thời Mạc phủ Edo, để tiêu diệt mọi mầm mống phản loạn và gây dựng nên thời thái bình vững chải, chính quyền Edo đã bí mật xây dựng một tập đoàn thích khách bằng cách nuôi dạy bọn trẻ mồ côi trở thành những sát thủ hạng nhất. Tác phẩm này miêu tả cuộc chiến giữa Azumi, một trong những đứa trẻ được nuôi dạy thành sát thủ và các vị chư hầu đang âm mưu lật đổ chính quyền Mạc phủ Edo. Thông qua đó tác phẩm cũng mô tả nỗi khổ tâm của thiếu nữ vô cấu Azumi khi phải ra tay giết người để củng cố nền hòa bình của đất nước. Tác phẩm cũng nói lên nỗi bất an của một xã hội trong thời kỳ quá độ, những bất mãn của tầng lớp Samurai trong buổi giao thời từ Chiến quốc sang một thời đại hòa bình mới, trong đó vai trò của người võ sĩ ngày càng mờ nhạt đi.
Nhân vật chính trong tác phẩm
- Azumi
- Nhân vật chính của tác phẩm, một trong số các thích khách tinh anh được Obata Gessai nuôi dạy. Azumi là thiếu nữ thơ ngây, trong sáng và được lũ trẻ yêu thích. Thân thế thực sự của Azumi không được nhắc đến trực tiếp trong tác phẩm nhưng qua lời kể của các nhân vật thì hình như Azumi là con lai giữa một phụ nữ Nhật và một người Tây phương. Azumi sở hữu thị lực và tinh thần mẫn cảm phi thường, sử dụng thông thạo thanh kiếm hai đầu.
- Obata Gessai
- Là một kiếm sư tài ba, người nuôi dạy Azumi cùng bọn trẻ mồ côi. Từng trải qua mất mát chiến hữu thân thiết nhất của mình trong thời loạn lạc. Gessai tôn kính nhà sư Tenkai và nhận mệnh lệnh từ Tenkai, bí mật nuôi dạy bọn trẻ mồ côi thành những cỗ máy giết người. Gessai là người hoàn thành mọi nhiệm vụ của Tenkai giao cho, nhưng cuối cùng vì âm mưu của Yagyū Munenori mà bị thích khách họ Yagyū ám sát chết.
- Nankōbō Tenkai
- Hình tượng nhà sư này được xây dựng dựa trên hình mẫu nhân vật lịch sử, là quân sư của Tokugawa Ieyasu, trụ trì chùa Kita-in, là Đại tăng chính của Phật giáo Thiên thai. Sư Tenkai được Ieyasu đánh giá là "biết quá nhiều thứ", tính cách của nhân vật này trong tác phẩm cũng là điều bí ẩn, tuổi tác cũng mơ hồ. Để bình định thiên hạ, Tenkai ngầm ra lệnh cho Obata Gessai gây dựng tổ chức thích khách bí mật ám sát của lãnh chúa gây phản loạn. Tenkai là người có trí tuệ thâm sâu, vượt cả Tokugawa và Toyotomi, là người nhìn rõ đại cục thiên hạ và đứng ra bảo hộ Azumi khi bị đám thích khách truy đuổi.
- Tobizaru
- Ninja thuộc hạ của Inoue Kanbei, mũi thính đến độ phân biệt được mùi máu. Sau khi Kanbei chết thì trở nên tuyệt vọng, nhưng sau gặp được sư Tenkai thì lại hết lòng hành động vì chủ mới. Về tài năng kiếm thuật thì xếp sau Azumi nhưng nhẫn thuật siêu quần, không ít lần cứu Azumi ra khỏi cảnh nguy khốn. Đây là nhân vật hiếm hoi trong tác phẩm sống sót, sát cánh bên Azumi được lâu dài.
- Inoue Kanbei
- Cận vệ của tướng Katō Kiyomasa. Nếu như nhân vật Kanbei trong lịch sử kết thúc cuộc đời mình trong vai trò một nhà sư sau khi chủ nhân là Katō Tadahiro chết thì trong tác phẩm này, Kanbei quyết tâm báo thù khi song thân và người chị gái bị Tướng quân Tokugawa Ieyasu thảm sát. Chủ nhân của Kanbei là Katō Kiyomasa bị Azumi ám sát, sau đó thủ lãnh mới là Toyotomi Hideyori cũng chịu chung số phận. Khi thành Ōsaka sụp đổ trước quân đội Tokugawa, Kanbei đơn thương độc mã xông vào trận chính ám sát Ieyasu nhưng sức cùng lực kiệt, mang trọng thương và được Azumi cứu thoát. Sau này Kabei che giấu thân thế, trở thành đệ tử của Ono Tadaaki, chờ ngày báo thù Ieyasu. Nhưng một lần tìm đến võ đường Ono, cận vệ của Ieyasu là Honda Masazumi khám phá ra thân thế của Kanbei...
- Yagyū Munenori
- Con trai thứ 5 của Yagyū Muneyoshi, tổ họ Yagyū ở Edo và là giáo đầu dạy kiếm thuật cho Tướng quân Tokugawa đời thứ 3. Trong trận Ōsaka, Munenori lập được chiến công lấy được 8 đầu tướng địch, được phong lãnh địa 2000 hộc. Munenori là một kiếm sư siêu quần và là một nhà chính trị lỗi lạc, là kiếm khách duy nhất nắm quyền hành về mặt chính trị đương thời. Trong tác phẩm, Munenori lập mưu lợi dụng Azumi để ám sát Ieyasu, sau nhiều lần phái thích khách đi hành thích Azumi.
- Mogami Bijomaru
- Cao thủ rút kiếm nhanh (Iai-jutsu), thích khách lợi hại này được Sanada Yukimura thả ra để ám toán bọn Azumi. Bijomaru phục sức như nữ nhân, ngôn động cũng khác gì nữ nhân và tự say mê bản thân đắm đuối. Sát thủ này từng giết chết Hyūga và đánh Gessai trọng thương.
Các phương tiện truyền thông khác
Điện ảnh
- Azumi (2003)
- Azumi 2 Death or Love (2005)
Sân khấu
- Diễn lần đầu : Ngày 3~26 tháng 4 năm 2005. Tái diễn: tháng 4 năm 2006
Game
- Azumi (game Play Station 2)
Pachinko
- CR Azumi
Liên kết ngoài
- Azumi (Trang chủ game Azumi trên hệ máy PS2)
Sunday, January 1, 2012
Đại từ nhân xưng trong tiếng Nhật (1/2)
Trong phạm vi hiểu biết của mình, tôi nói tiếng Nhật cũng rất tinh mật và nghiêm ngặt trong việc sử dụng đại từ nhân xưng, không thua gì tiếng Việt. Bài viết này giới thiệu đến bạn đọc các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai trong tiếng Nhật để giúp bạn đọc phần nào có cái nhìn bao quát hơn về ngôn ngữ Nhật Bản. Có những cái quý bạn đã được biết qua sách vở ở trường lớp, nhưng chắc hẳn cũng có cái chưa gặp lần nào. Thôi thì cứ coi như chuyện trà dư tửu hậu mấy ngày nhàn rỗi đầu năm vậy.
Dân tộc nào cũng có niềm tự hào của riêng mình, biết rõ mình, biết rõ người lại càng hay vậy.
*Lưu ý: bài này có sử dụng ký tự Nhật Bản, nếu máy tính của quý bạn không hiển thị được thì tải font chữ Nhật Bản theo link dưới đây và cài vào máy.
http://www.mediafire.com/?dg5otb9hgdm
Phần I: đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất
Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong tiếng Nhật phần lớn là từ chức năng, nhất là trong tiểu thuyết, Anime hay Manga. Từ chức năng (yakuwari-go) là khái niệm do nhà ngôn ngữ học Kinsui Satoshi đề xuất, chỉ cách sử dụng từ ngữ nhằm gợi lên đặc điểm, phong cách, tuổi tác hay nghề nghiệp của người nói. Các đại danh từ trong bài này sẽ được nhóm theo tính chất của chúng, như phổ thông, lịch sự, lễ phép, cổ phong,..... (bao gồm cả từ địa phương). Và tất cả những từ này đều mang nghĩa chỉ về người nói, tôi, tao, tui, tau, tớ,....
Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong tiếng Nhật có đặc điểm là cùng một chữ Hán nhưng tùy trường hợp mà đọc khác nhau và do đó, sắc thái cũng khác nhau.
Nhóm từ cổ phong: là những đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất được sử dụng thời cổ, hiện tại không còn dùng (trừ một vài trường hợp). Những từ này mang hơi hướng cổ trang, kiếm hiệp, giang hồ...
+ Wagahai (我輩, 吾輩, 我が輩, 吾が輩): mang tính tôn đại, trịnh trọng. Từ này nổi tiếng nhờ tác phẩm của văn Natsume Sōseki là "Wagahai wa neko dearu" (tôi là con mèo).
+ Soregashi (某): được nam giới thời trung cổ sử dụng, ban đầu mang tính khiêm nhường, sau mang tính trịnh trọng. Chủ yếu được các võ sĩ thời Chiến quốc sử dụng. Lưu ý là 某 còn có nhiều âm đọc khác như kure, nanigashi là đại từ nhân xưng không xác định chỉ người không biết tên.
+ Chin (朕): âm Hán Việt là "trẫm", được bậc Đế Vương Trung Hoa thời cổ sử dụng để tự xưng. Tại Nhật, từ này còn thấy trong các công văn của Thiên Hoàng nhưng sau Đệ nhị Thế chiến, từ này dần dà ít được dùng hơn. Thiên Hoàng hiện tại dùng watakushi để tự xưng. Trước chiến tranh, chin chỉ được dùng trong công văn và khi đọc trước đám đông, còn khi nói chuyện thì Thiên Hoàng Shōwa vẫn tự xưng là watashi.
+ Maro (麻呂, 麿): thời cổ, từ này được sử dụng trong tên của nam giới (như nhà thơ Kakinomoto Hitono-maro, 柿本人麻呂, thời Asuka) nhưng sau thời Heian thì nó chuyển thành đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, không phân biệt nam nữ. Hiện nay từ này chỉ còn thấy trong tiểu thuyết, là từ tự xưng của các công hầu.
+ Ware, Wa (我・吾): hiện tại không còn sử dụng trong văn nói mà chỉ thấy ở một số công văn mang tính chất trịnh trọng. Hiện tại nó còn được dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai trong tiếng địa phương vùng Kansai và dần mất đi cùng với nền giáo dục chuẩn sau thời Meiji. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn thấy những cách biểu hiện như waga-ie (我が家, nhà tôi), waga-kuni (我が国, nước ta) nhưng không mang tính trịnh trọng như vốn có của nó.
+ Yo (余, 予): được sử dụng sau thời Heian. Trước Đệ nhị Thế chiến, từ này được dùng không phân biệt thân phận vai vế nhưng sau chiến tranh, từ này chủ yếu được các đấng quân vương, phiên chúa sử dụng trong tiểu thuyết, phim ảnh lịch sử, võ hiệp...
Vd: một câu nổi tiếng của văn hào Nakazato Kaizan: 余は大衆作家にあらず (yo wa taishū sakka ni arazu): tôi không phải là nhà văn viết tiểu thuyết đại chúng.
Vd2: 余は力によって国を興した (trẫm chấn hưng đất nước bằng vũ lực)
+ Shōsei (小生): ngày xưa được nam giới dùng với sắc thái khiêm nhường, nay được sử dụng trong thư từ. Âm Hán Việt là "tiểu sinh" và từ này vẫn được sử dụng tại Việt Nam vài chục năm trước.
+ Gojin (吾人): được nam giới dùng trong thư văn thời cổ, nay ít dùng.
+ Gusei (愚生): ngày xưa được nam giới dùng với sắc thái khiêm nhường, nay được sử dụng trong thư từ. Âm Hán Việt là "ngu sinh".
+ Asshi (あっし): được nam nữ bình dân hạ tiện sử dụng, được cho là biến thể của atashi.
+ Achiki (あちき): được các du nữ sử dụng để che giấu xuất thân của mình. Các du nữ còn dùng asshi và achishi để tự xưng nhưng thực ra achishi chỉ thấy trong tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp...
+ Wacchi (わっち): giống như achiki, đây là từ tự xưng của các du nữ, hiện tại không còn dùng. Tuy nhiên, trong tiếng địa phương vùng Mino thì từ này cũng được dùng để tự xưng, bất luận nam nữ.
+ Warawa (妾): từ tự xưng của nữ giới, bắt nguồn từ chữ 童 (warawa, warabe, "đồng" trong "nhi đồng"), mang ý nhún nhường rằng mình là kẻ ấu trĩ như trẻ nít. Hiện tại, từ này thường thấy trong tiểu thuyết, phim ảnh lịch sử và được Vương phi, Nữ vương sử dụng.
+ Sessha (拙者): từ độc chiếm của các võ sĩ Samurai thời cổ, dùng để tự xưng với ý khiêm nhường. Âm Hán Việt là "chuyết giả" và người Việt ngày xưa vẫn dùng để nói về mình. Từ "chuyết" mang nghĩa vụng về, ngu độn nên thường được dùng như tiếp đầu ngữ đi liền với nhiều từ sau, hình thành nên ý khiêm nhường, như "chuyết tác" (sessaku) chỉ tác phẩm do mình làm ra, mang ý khiêm tốn. Nhân vật Himura Kenshin trong bộ Manga Rurōni Kenshin luôn tự xưng là sessha.
+ Gusō (愚僧): âm Hán Việt là "ngu tăng", thầy chùa ngốc. Đây là từ tự xưng của giới tăng lữ, tu sĩ, tương đương với "bần tăng" trong tiếng Việt. Từ này đến nay vẫn được giới tăng lữ sử dụng.
+ Sessō (拙僧): âm Hán Việt là "chuyết tăng", tương tự như Gusō. Từ này đến nay vẫn được giới tăng lữ sử dụng.
+ Midomo (身ども): từ tự xưng của võ sĩ (nam giới) với người đồng đẳng hay vai vế thấp hơn.
+ Yatsugare (僕), Temae (手前): mang nghĩa là bản thân mình. Hiện tại, trong văn thư thường thấy temae-domo (手前ども) ý nghĩa như kochira. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp thì temae là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai.
+ Kochihito, Kochito (此方人): mang nghĩa đen là "người ở đây", "người này". Kochito là biến thể của kochihito. Hai từ này là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, dùng được cả số ít lẫn số nhiều.
+ Konata (此方), Kochitora (此方人等): konata mang nghĩa như kochira nhưng mang sắc thái gần gũi về mặt tâm lý hay khoảng cách, chủ yếu được nữ giới trong tầng lớp võ sĩ, công hầu quý tộc sử dụng. Dùng được với cả số ít lẫn số nhiều. Hiện tại cả hai từ này đều không còn dùng, ngoại trừ trong tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp.
Nhóm từ phổ thông
+ Watashi (私): là đại danh từ ngôi thứ nhất được người Nhật sử dụng nhiều nhất và là cách nói gọn của watakushi. Từ này thường được dịch là "tôi" trong tiếng Việt. Từ sau thời cận đại, watakushi được lược bỏ "ku" và trở thành watashi, thường được phụ nữ sử dụng. Ngày nay, watashi được cả nam và nữ sử dụng. Trong chốn công cộng, nam giới dùng watashi hay watakushi để nói về mình được coi là hợp phép tắc. Ban đầu, từ 私 được chua cách đọc trong bảng chữ Hán thường dùng là watakushi, còn trong các công văn hành chính thì từ watashi được viết bằng Hiragana (わたし) chứ không viết bằng Hán tự. Nhưng đến năm 2011 thì 私 chính thức được thừa nhận cách đọc trong bản Hán tự thường dùng là watashi.
+ Watakushi (私): dạng đầy đủ của watashi, thường được sử dụng khi phát ngôn trước công chúng. Đặc biệt, trong các bài diễn thuyết của Hoàng gia Nhật, từ này luôn được sử dụng. Trước thời Muromachi thì từ này không được sử dụng như đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất nhưng sau đó nó được dùng như ngày nay.
+ Boku (僕): được nam giới sử dụng và mang tính chất riêng tư về mình khi nói chuyện với người đồng đẳng hoặc vai vế thấp hơn hay khi thể hiện sự thân thiết với người nghe. Trong một số trường hợp cần nghi thức, nó vẫn được chấp nhận. Âm Hán Việt của từ này là "bộc" (trong nô bộc). Thời cổ, 僕 được phát âm là yatsugare, nhưng từ thời Meiji trở đi, tầng lớp thư sinh, học sinh đọc từ này là boku và sử dụng như ngày nay.
+ Jibun (自分): vốn mang nghĩa là tự mình, bản thân mình và được nam giới trong ngành thể dục thể thao dùng để chỉ về mình. Trong loạt phim truyền hình "cảnh sát miền Tây" (seibu keisatsu), nam tài tử chính Watari Tetsuya dùng từ jibun để chỉ về mình và từ đó từ này trở nên phổ biến trong dân chúng. Trong văn viết, thỉnh thoảng cũng thấy jibun xuất hiện trong vai trò đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và cả nữ giới cũng sử dụng nhưng trong công văn chính thức, lễ nghi thì không sử dụng. Tại vùng Kansai thì jibun được dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai.
Nhóm từ thân mật
+ Ore (俺): được nhiều nam giới sử dụng đối với người đồng đẳng hay vai vế thấp hơn mình, mang tính thân mật hay cọc cằn. Về sắc thái, từ này tương đương với "tao" trong tiếng Việt và không được sử dụng khi đứng trước đám đông, phát biểu trong hội nghị. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thanh nhiên sử dụng từ này trong những tình huống cần lễ nghi trang trọng. Ore là từ biến đổi của onore (己), trước thời Kamakura, nó là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai nhưng về sau trở thành ngôi thứ nhất. Đến thời Edo, nó được cả nam nữ, không phân biệt sang hèn đều sử dụng. Nhưng sau thời Meiji thì nó trở thành từ độc chiếm của nam giới, ngoại trừ vùng Đông Bắc vẫn còn sử dụng nó như một từ địa phương.
+ Washi (儂, 私): thường thấy trong tiểu thuyết, phim ảnh và được nam giới lớn tuổi sử dụng. Thời cận đại, nữ giới vẫn dùng từ này với đối phương trong trường hợp thân thiết, nhưng ngày nay nó trở thành từ độc chiếm của nam giới khi nói với người đồng đẳng hoặc kém vai vế. Washi còn là từ địa phương tại các tỉnh Aichi, Gifu và phía Tây vùng Hokuriku, nam giới không nhiều tuổi cũng sử dụng từ này. Tại những vùng này thì thanh niên, trẻ con cũng sử dụng washi để chỉ bản thân, nhưng gần đây do ảnh hưởng của phương tiện truyền thông mà giới trẻ đã chuyển sang dùng "ore".
+ Atashi (あたし): cách nói biến âm mang tính suồng sả của watakushi, ngày nay thường được nữ giới sử dụng trong tình huống thân mật. Trong những tình huống trang trọng, nữ giới vẫn phát âm rõ ràng là watashi. Atashi ban đầu được nam nữ lưỡng dụng, nhất là trong giới thương nhân và thợ thủ công, nhưng về sau trở thành từ độc chiếm của nữ giới. Ngày nay, các diễn viên kể chuyện hài Rakugo vẫn sử dụng từ này. Sắc thái từ này tương tợ "tôi" thành "tui" trong tiếng Việt.
+ Atai (あたい): thể biến âm và suồng sả hơn của atashi. Đây là từ độc chiếm của nữ giới và mang sắc thái cộc cằn, được phụ nữ và trẻ nhỏ ở Tōkyō sử dụng. Hiện tại, trong thường nhật hầu như không còn ai sử dụng từ này mà chỉ còn thấy trong tiểu thuyết, phim ảnh và trong tiếng địa phương ở Kagoshima.
+ Watai (わたい): biến âm của watashi, tương tự như atai.
+ Wai, Wate, Ate (わい, わて, あて): được sử dụng ở vùng Kinki từ sau thời cận đại. Wai là từ rút gọn của washi, là từ độc chiếm của nam giới còn wate là dạng rút gọn của watai, ate lại là dạng rút gọn hơn nữa từ wate. Ate, Wate được dùng nhiều ở Kyōto không phân biệt nam phụ lão ấu. Ngày nay, chỉ còn một số ít người già vẫn còn sử dụng những từ này.
+ Wadasu (わだす): cách nói trại của watashi của miền Đông Bắc.
+ Adasu, Wasu (あだす, わす): cách nói trại của atashi, washi ở miền Đông Bắc.
+ Uchi (うち): được nữ giới miền Tây sử dụng nhiều. Tại Kyūshū (một phần), cả nam nữ đều dùng uchi để chỉ về mình.
+ Oira (己等): được nam giới sử dụng, mang tính địa phương. Khi làm nũng, cả nam và nữ đều dùng oira để chỉ về mình. Có những cách viết như 俺等 (đọc theo nguyên tắc là orera), 俺ら cũng đọc là oira nên rất dễ nhầm với orera (đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số nhiều, bọn tao, chúng tao) nên gần đây không được sử dụng. Lưu ý là từ 己等 còn có cách đọc là u'nura, đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, bọn mày, lũ chúng bây, lũ chúng mày, tụi bây...
+ Ora (俺ら): phái sinh từ oira, được sử dụng nhiều ở phía Bắc vùng Kantō.
+ Oi, oidon (おい, おいどん): được nam giới ở Kyūshū sử dụng, nhất là phía Nam vùng này. Trong hội thoại thường nhật, nam giới trẻ tuổi tự xưng là oi, còn nam giới có tuổi và trong số những người sinh trước Đệ nhị Thế chiến, phụ nữ vẫn dùng oidon khi tự xưng. Oi còn được dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, mang nghĩa "you".
Khi gặp đám đánh nhau, cảnh sát thường nộ: oi! Kora! (おい!こら!). Thực chất câu này có nghĩa là: "này anh, chuyện gì vậy?" theo đúng nghĩa của vùng Kyūshū. Đầu thời Meiji, nhiều võ sĩ phiên Satsuma (thuộc vùng Kyūshū) được tuyển làm cảnh sát và họ vẫn thường hỏi câu này khi gặp đám đánh nhau. Dần dà, câu này trở nên phổ cập và mang ý nghĩa cảnh cáo, răn đe như ngày nay.
+ Ura (うら): từ địa phương của vùng Hokuriku, chủ yếu do nam giới sử dụng. Ngày xưa nữ giới cũng dùng ura để chỉ về mình.
+ Wa, Waa (わ, わー): từ địa phương vùng Tsugaru, nam nữ đều dùng. Tại tỉnh Ehime, từ này chủ yếu do nam giới có tuổi sử dụng và có khi là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai. Từ này được cho là biến thể của ware (ngã).
+ Wan, Waa (ワン, ワー): từ địa phương Okinawa, chủ yếu do nam giới dùng. Nữ giới Okinawa, nhất là người có tuổi thường sử dụng tên mình để chỉ về mình. Trong bài hát "Shimauta" của nhóm The Boom có câu: "wanku nu nadagwa" (わんくぬなだぐぁ) nghĩa là: nước mắt của tôi.
+ Bokuchan, bokuchin (ぼくちゃん, ぼくちん): từ được bé trai sử dụng khi làm nũng hay bông đùa.
+ Orecchi (おれっち): biến thể của ore, kiểu nói này do người sinh ra và được nuôi dưỡng ở Edo (Tōkyō thời cổ) sử dụng. Nó còn là biến thể của oretachi, ngôi thứ nhất số nhiều, mang nghĩa chúng ta, bọn ta. Orecchi thường được sử dụng tại trung tâm tỉnh Shizuoka.
+ Khuynh hướng trường âm: là khuynh hướng kéo dài âm a của các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, chẳng hạn: oryaa (おりゃあ), bokā (ぼかぁ), watashā (わたしゃ), atashā (あたしゃ), washā (わしゃあ), orā (おらぁ). Những từ này tương tự đại từ nguyên bản của chúng đi kèm với trợ từ.
Ví dụ: わたしの、わたしは、わたしが thành わたしゃ
Một câu trong bài hát "Itako no hanayome-san" (cô dâu vùng Itako): わたしゃ潮来の 水育ち (tôi là con người vùng sông nước)
Nhóm từ khiêm tốn
+ Watashime, Watakushime (私め): tiếp vĩ ngữ me mang ý nhún nhường để chỉ về bản thân. Watashime thường được các hầu gái sử dụng đối với chủ nhân.
+ Watakushi-domo (私ども): từ khiêm nhường chỉ bản thân hay gia đình, đoàn thể của mình. Như temae-domo.
Nhóm từ ngạo mạn, bố láo
+ Oresama (俺様): ore có thể dịch là "tao", tiếp vĩ ngữ "sama" đi sau danh từ mang ý kính trọng danh từ đứng trước, tương tự ngài X, ngài Y trong tiếng Việt hay Mr. A, Mr. B. Khi cả ore đi chung với sama thì người nói tỏ ra ngạo mạn xấc xược.
+ Atakushi: thể cộc cằn của watashi, thường thấy ở các nhân vật tiểu thơ cao kỳ (tục gọi là "chảnh") hay các nhân vật ưa lấy thịt đè người trong tiểu thuyết. Trường hợp này thường đi chung với nhiều kính ngữ giản lược để hình thành sắc thái châm chọc, cộc cằn trong câu nói.
Nhóm từ dùng trong công việc
+ Shōshoku (しょうしょく), Tōhō (当方): dùng để chỉ về người nói hoặc đoàn thể, tổ chức mà người nói thuộc về và mang sắc thái trịnh trọng. Các cấp bậc trong công ty khi trao đổi thư từ với nhau cũng dùng từ này để chỉ về mình.
+ Sakusha (作者): âm Hán Việt là "tác giả". Đơn thuần là các nhà văn có khi dùng từ này để nói mình.
+ Sensei (先生): thông thường từ này là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai được sử dụng đối với người làm nghề giáo, bác sĩ, họa sĩ Manga,.... Nhưng ngược lại, những người này (bác sĩ, giáo viên) cũng dùng như ngôi thứ nhất chỉ về mình khi nói với học sinh, bệnh nhân.
+ Honkan (本官): âm Hán Việt là "bản quan". Ai coi nhiều phim Bao Công sẽ biết (^^). Từ này được giới cảnh sát, sĩ quan, thầy phán dùng chỉ về mình.
+ Honshoku (本職): được giới thầy cãi, thầy kiện sử dụng. Cũng có khi dùng Shōshoku, tōshoku (当職).
+ Henshūshi (編集子), Hissha (筆者): được những người đăng bài trên báo, tạp chí sử dụng chỉ về mình.
+ Tōkyoku (当局): được các đài phát thanh tư nhân sử dụng trong hội thoại, văn thư khi liên lạc với nhau.
+ Kochira (こちら): mang nghĩa đen "đây là...", được các đài phát thanh tư nhân sử dụng. Ban đầu, khi liên lạc điện tín thường nói kochira cùng với tên mình, chẳng hạn: kochira Yamada (đây là Yamada). Về sau, lối nói này trở thành thói quan khi liên lạc điện thoại, điện báo.
© N.T.Duyên 1-1-2012
Bài kỳ sau: đại từ nhân xưng ngôi thứ hai