Lời nói đầu:
Tạp học (Zatsugaku) không phải là một nền học vấn chính thống bài bản gì mà chỉ là những kiến thức phổ thông vụn vặt mà bất cứ ai cũng biết, nên biết và có thể chưa biết. Nó bao trùm mọi phương diện, mọi đề tài, đủ các mặt của đời sống, đi từ văn học nghệ thuật cho tới khoa học, kỹ thuật, chính trị....
Nó trả lời cho những câu hỏi linh ta linh tinh vụn vặt, kiểu như tại sao mèo lại ăn thịt chuột, tại sao chó mèo lại không ưa nhau.... Tại Nhật Bản, tạp học rất được ưa chuộng và rất nhiều quyển sách về nó bán rất chạy. Tại Việt Nam, người dân có vẻ cũng rất yêu thích thể loại kiến thức "hỗ lốn" này qua những chương trình như "đường lên đỉnh Olympia"....
Loạt bài viết này gom góp những tri thức phổ thông và vụn vặt liên quan đến các mặt của đời sống nước Nhật, con người Nhật Bản. Bài viết có sử dụng những kiến thức thu gom được từ sách vở, báo chí, phim ảnh, internet cũng như kiến thức thu gom được từ thực tế dưới hình thức mỗi kỳ đăng tải một đề tài. Vì là tạp học, nên cách chọn đề tài cũng không theo quỹ đạo bài bản nào, hứng cái gì thì viết về cái đó, khi nào hứng thì viết.
Hy vọng loạt bài viết này giúp người đọc mua vua được vài trống canh. Và cũng hoan nghênh bất kỳ đóng góp nào từ phía người đọc dưới hình thức post reply.
----------------------------------------------------------------------------------------------
NG là gì?
Nếu ai từng làm việc cho các công ty Nhật theo hệ sản xuất thì có lẽ sẽ biết đến từ này. Các công ty sản xuất Nhật thường đánh giá chất lượng của sản phẩm họ làm ra theo mức độ OK và NG. Nói nôm na là đạt và không đạt, sản phẩm tốt và sản phẩm hỏng, lỗi. Từ này có nguồn gốc ra sao?
NG, tiếng Nhật đọc là enujii, theo cách phát âm tiếng Anh của hai chữ cái N và G. Đây là viết tắt của "No Good", từ tiếng Anh do Nhật chế để diễn tả ý không đạt, không tốt, hỏng rồi. Ban đầu, từ này là thuật ngữ của ngành điện ảnh và truyền hình. Đối với những cảnh quay không đạt, diễn không tốt hay những thước phim tệ, đạo diễn nói NG và ra lệnh quay lại. Thế mà không biết từ bao giờ, từ này đã thẩm thấu vào văn hóa đại chúng, cả xã hội Nhật đều sử dụng rộng rãi.
Vì là tiếng Anh do Nhật chế nên nói NG sẽ không được người Âu Mỹ hiểu đúng ý như người Nhật hiểu. Nguồn gốc của nó là như vậy.
Nguồn gốc từ tempura
Tempura là một trong những món ăn đại diện cho nền ẩm thực Nhật Bản, cùng với Sushi, Sashimi, Sukiyaki, nó được nhiều nơi trên Thế giới biết đến. Tempura được "dịch" sang tiếng Việt với cái tên mô tả đúng bản chất của nó và âm đọc cũng hao hao thanh điệu của từ tempura trong tiếng Nhật: tẩm bột rán.
Hẳn nhiều người cũng đã biết món này ngon nhờ bọc bột (chiên xù) rồi thả vào dầu sôi. Thực phẩm được chọn đem chiên (rán) cũng đa dạng, từ cá, thịt, rau cải cho tới các loại nấm, nhưng phổ biến nhất vẫn là tôm. Món này có nguồn gốc từ thời Chiến quốc, thế kỷ XV, XVI, khi nước Nhật rơi vào cảnh loạn lạc, các sứ quân chỉ chực thôn tính lẫn nhau.
Thời cổ, người Nhật không ăn thịt động vật như ngày nay mà chủ yếu là ăn cá, chim và rau đậu các loại. Họ quan niệm ăn thịt động vật là man rợ, không văn minh. Nhưng khi người Bồ Đào Nha đến Nhật trong thời Chiến quốc, họ đã mang theo thói quen ăn thịt và việc sử dụng dầu trong ăn uống trở nên thịnh hành.
Người ta cho rằng từ Tempura trong tiếng Nhật bắt nguồn từ "tempero" trong tiếng Bồ Đào Nha, nghĩa là gia vị hoặc từ "templo" trong tiếng Tây Ban Nha, nghĩa là chùa chiền, nhà thờ vì đây là nền tảng cho các món ăn chay của nhà thờ Nambanji của các giáo sĩ phương Tây được tướng Oda Nobunaga cho phép xây dựng ở Kyōto.
No comments:
Post a Comment